Giới thiệu cuộc đời, sự nghiệp Cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đăng lúc: 21:45:10 07/08/2021

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 – 8/8/2021), Ban Quản lý Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc xin trân trọng giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 

Đồng chí Lê Quang Đạo (1921 - 1999)

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên thật là Nguyễn Đức Nguyện sinh ngày 8/8/1921, tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Nguyễn Đức Cung (Cụ Thơ La), mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Lạc. Vợ ông là nhà văn Nguyễn Thị Nguyệt Tú, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ. Ông có ba người con trai là Nguyễn Quang Thắng;  Nguyễn Quang Bắc - Thiếu tướng, Tiến sĩ khoa học, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật; Nguyễn Quang Tuệ và một người con gái là Nguyễn Nguyệt Tĩnh.

Năm 17 tuổi, ông tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội. Vào tháng 8 năm 1940, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới vừa tròn 19 tuổi. Để thuận tiện trong quá trình hoạt động cách mạng, ông lấy tên là Lê Quang Đạo vào giữa năm 1941. Trong quá trình công tác, ông trải qua nhiều vị trí như Xứ ủy viên rồi Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Khu ủy viên rồi Ủy viên Thường vụ Liên khu III, phụ trách công tác tuyên huấn. Đến năm 1949, đồng chí Lê Quang Đạo giữ chức Phó ban Tuyên truyền Trung ương. Tháng 5/1955, đồng chí giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Đồng chí Lê Quang Đạo được phong quân hàm Thiếu tướng vào năm 1958 và được thăng Trung tướng vào năm 1974.

Trải qua nhiều năm ở nhiều vị trí công tác khác nhau, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Quốc hội và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa VIII (tháng 6/1987).

Đồng chí thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để chuyên trách về công tác mặt trận vào năm 1993, sau đó được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (tháng 8/1994).

Đồng chí Lê Quang Đạo mất vào ngày 24 tháng 7 năm 1999 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.

Trải qua hơn 60 năm hoạt động cách mạng, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Lê Quang Đạo đều thể hiện là một cán bộ lãnh đạo đức độ và tài năng của Đảng, của Quân đội và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc ...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy các chiến dịch lớn như Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Biên giới (năm 1950); Phó Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quyền Chính ủy Đại đoàn 308 trong cuộc tiến công sang Thượng Lào (năm 1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (năm 1968), Chiến dịch Đường 9- Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch Trị-Thiên (năm 1972). Dù là lãnh đạo nhưng đồng chí luôn đi sát mặt trận, gần gũi với chiến sĩ, qua đó phát huy tốt tinh thần tập thể, dân chủ và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi to lớn cho cách mạng Việt Nam.

Ngoài ra, đồng chí Lê Quang Đạo cũng có những đóng góp rất to lớn trong quá trình xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị và tổ chức, hiệp đồng chiến đấu. Theo đồng chí, “Công tác giáo dục chính trị là linh hồn, là mạch sống của bộ đội. Muốn nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu của toàn quân cần phải tăng cường giáo dục chính trị trong quân đội”.

Đồng chí được phân công biên soạn và viết nhiều tài liệu về công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng Đảng, đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân. Các bài viết tiêu biểu của đồng chí Lê Quang Đạo là “Học tập cách xem xét vấn đề đúng đắn” (năm 1959); “Về công tác tư tưởng và công tác tổ chức” (năm 1962); “Nâng cao quyết tâm kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến toàn thắng” (năm 1970); “Mấy bài học về công tác chính trị của bộ đội chủ lực trong chiến dịch, chiến đấu” (năm 1971); “Báo cáo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21” (năm 1973); “Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao ý chí chiến đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong giai đoạn mới” (năm 1974)...

Đồng chí còn trực tiếp tham gia giảng dạy trong nhiều lớp chỉnh huấn của quân đội, nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo, bản chất của quân đội ta là một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; quán triệt sâu sắc đường lối cách mạng của Đảng, yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ thực tiễn khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam, đồng chí đã rút ra vấn đề có tính quy luật trong xây dựng quân đội cách mạng: Vấn đề quan trọng bậc nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, làm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Chỉ có trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới giải quyết được đúng và tốt các mối quan hệ về tổ chức, giữa chính trị với quân sự, giữa con người với vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa trang bị huấn luyện và chiến đấu của quân đội. Đồng chí cũng khái quát kinh nghiệm hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu: Nắm vững phương châm kết hợp chặt chẽ xây dựng với tác chiến; xây dựng quyết tâm chiến đấu cao; phát huy vai trò của tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, chỉ huy giỏi; kết hợp chặt chẽ địch vận với tác chiến; thực hiện tốt kỷ luật chiến trường; chống chiến tranh gián điệp, chiến tranh tâm lý của địch.

Đồng chí cho rằng công tác giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ phải là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, nhằm phát huy cao độ sức mạnh của mọi người, mọi lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí nhiều lần nhấn mạnh: “... phải luôn luôn bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ phẩm chất cách cách mạng, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nếp sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, tác phong khẩn trương, sâu sắc”.

Đánh giá về phẩm chất và những đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng và quân đội ta”.  

Trong rất nhiều đóng góp của đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng ta đã ghi nhận vai trò to lớn trong việc “đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, mở rộng dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh”. Sau Đại hội VI của Đảng, Quốc hội phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật. Đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và nhân dân trong giai đoạn mới; đồng thời, ra sức thực hiện chương trình xây dựng pháp luật để Quốc hội thông qua được nhiều bộ luật, luật và pháp lệnh. Bên cạnh đó, đồng chí đã góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết.

Đồng chí đã góp phần tích cực để Quốc hội khóa VIII thông qua 20 luật, 30 pháp lệnh và nghiên cứu để chuẩn bị thể chế hóa nhiều luật và pháp lệnh quan trọng khác. Đồng chí cũng rất chú trọng tới những vấn đề lý luận và thực tiễn, đổi mới phong cách làm việc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...

Các câu chuyện dưới đây thể hiện dấu ấn sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo. Tháng 3/1988, đồng chí điều hành để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thay đồng chí Phạm Hùng vừa qua đời. Theo dự kiến, Bộ Chính trị đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng một đoàn đại biểu ở phía Nam đã giới thiệu thêm một ứng cử viên thứ hai, cũng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Cuộc trao đổi về ứng cử viên diễn ra sôi nổi. Đồng chí nói với các đoàn đại biểu trong buổi thảo luận: “Chúng tôi xin ghi nhận có hai đồng chí được giới thiệu”. Sau đó, đồng chí gặp riêng hai người được đề cử và xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Khi Tổng Bí thư hỏi ý kiến riêng thì đồng chí Lê Quang Đạo đáp: “Đảng vừa có chủ trương đổi mới toàn diện, trường hợp này nằm trong quyền hạn của Quốc hội, tôi thấy nên để Quốc hội lựa chọn giữa hai ứng cử viên bằng lá phiếu…”. Kết quả, đồng chí Đỗ Mười trúng cử Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và mọi người đều nhận thấy sự đổi mới theo chiều hướng dân chủ.

 

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo trao đổi với các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, tháng 6/1987. (Ảnh tư liệu)

 

Một quyết định khác của đồng chí Lê Quang Đạo đã mở ra thời kỳ ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Quốc hội. Một lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão than phiền về cách thức lấy biểu quyết (giơ tay và đếm số người biểu quyết), vừa không giữ được bí mật khi cần, lại mất nhiều thời gian và không đảm bảo chính xác, nên có trường hợp những người không biểu quyết cũng được coi như tán thành. Chủ tịch Lê Quang Đạo nhận xét: “Đây không phải là vấn đề nhỏ. Nó liên quan tới thái độ nghiêm túc của Quốc hội đối với vấn đề lập pháp”. Rồi đồng chí hỏi: “Sao ta không sử dụng biểu quyết bằng điện tử?”. Sau đó, đồng chí gợi ý có thể nhờ Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng làm giúp. Chỉ một thời gian sau, nhờ sự giúp đỡ của Tổng cục, Quốc hội đã có một hệ thống biểu quyết bằng điện tử vận hành nhanh gọn, chính xác.

Thí dụ sau đây cũng góp phần phản ánh quan điểm, thái độ của đồng chí Lê Quang Đạo đối với hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, công tác xét xử nói riêng và sự tôn trọng nhân dân. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành tòa án năm 1988, đồng chí nói: “Nhiệm vụ chủ yếu của tòa án là xét xử để đi đến quyết định người bị truy tố có tội hay không có tội, tội đó cần trừng trị hay tha bổng hình phạt ở mức nào là hợp lý hợp tình, bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật. Pháp luật nghiêm nhưng phải minh. Nghiêm là tội nào thì phải chịu mức hình phạt ấy theo pháp luật đã quy định, làm cho kẻ phạm tội phải chấp hành, phải hối hận và phải cải tạo sửa chữa, đồng thời, minh là phải bảo đảm tính công bằng xã hội, quyền dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân phải được tôn trọng. (…) Uy tín của Nhà nước ta, của chế độ ta đối với dân và với thế giới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố công tác xét xử nghiêm minh và hoạt động có hiệu quả của ngành tòa án…”.

Là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Lê Quang Đạo đã để lại dấu ấn quan trọng trong hoạt động của Quốc hội nói chung, trong công tác lập pháp nói riêng. Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sỹ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo, học tập. Trên mọi cương vị, lĩnh vực đồng chí đều hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Từng bước đưa đất nước vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần xây dựng cơ sở, nền tảng để đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sâu rộng, tạo tiền đề để xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Huỳnh Như sưu tầm

Tài liệu tham khảo:

1. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.

2. PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Đồng chí Lê Quang Đạo với công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 9/8/2011.

3. https://bvdkbacninh.vn/tin-tuc/dang-bo-benh-vien/nhu-ng-co-ng-hie-n-cu-a-do-ng-chi-le-quang-da-o-do-i-vo-i-quan-do-i-nhan-dan-vie-t-nam-4351

4. https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_Quang_%C4%90%E1%BA%A1o

5. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/dong-chi-le-quang-dao-nguoi-co-nhieu-dong-gop-cho-cong-tac-lap-phap-1491881760

6. http://bacninhtv.vn/tin-tuc-n12493/dong-chi-le-quang-dao--nha-lanh-dao-tai-nang-cua-dang-nha-nuoc-va-quan-doi-nhan-dan-viet-nam.html

123>Last ›
Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn và ghi nhớ công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người có công lớn sinh thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các thế hệ Việt Nam nguyện phấn đấu ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Phạm Thế Duyệt
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn công tác của Bộ Công an đến dâng hương và viếng khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trước vong linh của Cụ và Mộ của Cụ đoàn công tác kính cẩn nghiên mình và trân trọng. Cám ơn ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Tấn Tới
Viếng Cụ Nguyễn Sinh SắcCon đến viếng thăm nơi Cụ an nghỉThành phố Cao LãnhLàng Hòa An xưa… Lăng mộĐền thờNhà lưu niệmTượng Thầy đồ giản dịĐài Sen sáng giữa hồ Sao… Cụ lặng lẽ dưới cánh senHướng về phía mặt trời lênSen làng SenSen Đồng ThápCửu Long canh giấc ngàn thu. Nhà ... Xem thêm
Tháng 05/2017 - Đinh Y Văn
Về đất Sen thắp hương Cụ Nguyễn Sinh Sắc, điều mà tôi thấy được ở đây không chỉ là cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Cụ mà còn hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong ... Xem thêm
Tháng 03/2016 - Lê Nguyên Đức
LỊCH CÔNG TÁC
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ
TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Bạn đã đến thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc bao nhiêu lần?

Một lần
Hai lần
Nhiều lần
Không nhớ


THỐNG KÊ TRUY CẬP
1924936
Hôm nay: 32
Tuần này: 63650
Tháng này: 95072