HẰNG AN ĐƯỜNG VÀ ÔNG THẦY HUẾ
Đăng lúc: 16:57:17 12/06/2024HẰNG AN ĐƯỜNG VÀ ÔNG THẦY HUẾ
Ông Thầy Huế - tên gọi thân thương, tôn kính mà đồng bào Cao Lãnh trân trọng dành cho cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), thân sinh của Bác Hồ kính yêu, lần đầu tiên đến Cao Lãnh (1917 - 1918) và cuối đời chọn Cao Lãnh địa linh nhân kiệt làm nơi dung thân (1927 - 1929).
Là Nhà Nho thanh bạch, yêu nước, thầy thuốc có tài, có tâm cứu nhân độ thế, cụ đến với Hằng An Đường - tiệm thuốc Bắc nổi tiếng ở chợ Cao Lãnh thời bấy giờ, trong mối đồng cảm chuyện đời, chuyện nghề, như người thân chung mái ấm gia đình lương y. Hôm nào đẹp trời, rỗi rảnh, cụ ra chợ, ghé vào tiệm bắt mạch, ra toa, hốt thuốc, đàm đạo cùng đồng nghiệp, thân chủ; còn lúc trái gió trở trời, cụ ở nhà cụ Năm Giáo (Lê Văn Giáo), một trung nông góa vợ, thơm thảo cho cụ ở nhờ (bên bờ rạch Cái Tôm, làng Hòa An, Cao Lãnh), chế thuốc cao đơn hoàn tán (độc đáo là loại thuốc cao da trâu, từng được mang đi bán dạo) để chia hoặc tặng cho đồng bào.
Ông Lưu Tấn - chủ tiệm Hằng An Đường thương quý, kính cụ vào hàng cha mẹ, chú bác, không bao giờ có lời nói, cử chỉ làm phiền lòng cụ, nhất là không ngán ngại sự dòm ngó, rình mò đáng phỉ nhổ của bè lũ thực dân Pháp và tay sai về mối quan hệ khắng khít giữa cụ và Hằng An Đường. Nhà giáo Trần Quang Hạo (1899 - 1981), tác giả Cao Lãnh, vùng địa linh nhân kiệt, ghi lại lời thuật của cụ Ba Vẹn (Nguyễn Văn Vẹn), Nhà Nho có tiếng đất Cao Lãnh: “Cụ, đầu cạo trọc, vấn khăn, ăn mặc nâu sồng, áo vạt hò nhuộm dà, xách dù, như nhà sư ở chùa, thường bổ thuốc ở tiệm Hằng An Đường tại chợ Cao Lãnh, cũng là bài nhì rượu trắng, được lính kín chiếu cố đặt biệt. Mọi hành động, mọi cử chỉ đều bị theo dõi, nên mỗi khi cụ vào tiệm thuốc Bắc, thì có công an lảng vảng ngoài sân chợ. Để tránh lưu lại bút tích, cụ nói miệng cho người bốc thuốc biên và hốt”.
Trong chuyến vào Nam thăm cha (1927), cô Hai Thanh (Nguyễn Thị Thanh, 1884 - 1954), giỏi Đông y, nặng tình yêu nước, cũng đã có dịp theo cha đến Hằng An Đường bốc thuốc, “để tỏ thái độ khinh bỉ đối với kẻ rình rập, cô Hai Thanh hớp một ngụm rượu trắng, bước ra trước cửa tiệm, ngó ngay mấy tên nầy phun phèo phèo, phỉ nhổ” (Trần Quang Hạo).
Chính vì vậy, cụ Phó bảng rất mến Hằng An Đường, để lại trong lòng Hằng An Đường nhiều dấu ấn tình cảm tốt đẹp mà sau này con cháu ông Lưu Tấn thường nhắc nhở trong những buổi họp mặt gia đình.
Ông Lưu Tấn, học danh Lưu Tử Tấn, sinh năm 1902, mất năm 1982 tại thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp), thân phụ là cụ Lưu Đức Toàn, chuyên nghề thuốc Bắc, cả đời hiền lương, chí thú làm ăn. Nối nghiệp cha, ông tâm nguyện nâng cao uy tính Hằng An Đường, phục vụ đồng bào phòng bệnh, trị bệnh hiệu quả.
Năm 1923, ông kết hôn với bà Tăng Trên, chung sống 29 năm, được 9 mặt con (mất sớm 5 con, còn 4 con gồm 1 trai, 3 gái). Nhà giáo Lưu Khôn, bút hiệu Vĩnh Thanh, con trai duy nhất, sinh ngày 14/02/1930, nổi tiếng học giỏi nhất tỉnh, biết rành tiếng Pháp, Anh, Hán (Quan thoại, Tiều, Quảng, Hẹ…), đoạt giải Nhất nhiều cuộc thi văn chương tổ chức ở Sài Gòn, từng theo học Lycée Pétrus Ký, Đại học Y Khoa Sài Gòn (học được 4 năm phải nghỉ học vì lý do sức khỏe), chuyển sang học Đại học Văn Khoa Sài Gòn và sau khi tốt nghiệp xuất sắc, đảm nhận nhiều chúc vụ quan trọng trong ngành giáo dục: Giáo sư, Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Trưởng Khoa Hán văn trường Đại học Văn khoa (Sài Gòn)…
Cuộc đời ông Lưu Tấn trọng chân lý, nhân nghĩa, nhiệt tình tham gia công tác xã hội và học đường dưới danh nghĩa nhân sĩ, qua vai trò Hội trưởng Hội Hồng thập tự Kiến Phong, Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh trường Trung học Nguyễn Quang Diêu Kiến Phong (nay là trường Trung học phổ thông Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Trong điều kiện, khả năng cho phép, ông đã đóng góp, vận động xây cất cho nhà trường một dãy lầu (bên trái từ ngoài cổng nhìn vào). Đặc biệt, trong hoàn cảnh đất nước bị thù trong, ông tích cực giúp đỡ đồng bào “chạy giặc” có nơi ăn, chốn ở, vật dụng cần thiết và kịp thời, kiên trì can thiệp nhiều vụ bắt bớ, giam cầm học sinh, đồng bào yêu nước của ngụy quân, ngụy quyền. Chính ông đã đích thân yêu cầu Đỗ Văn Phú - Trưởng Ty Cảnh sát Quốc gia Kiến Phong, nhanh chóng cứu xét hồ sơ, trả tự do cho một giáo viên Ty Tiểu học Kiến Phong bị khép tội hoạt động trong Hội Liên Hiệp Học Sinh, Sinh viên Giải phóng (1966).
Tiệm thuốc Bắc Hằng An Đường, có lần đổi tên Vĩnh An Đường, trước ngày giải phóng 30/04/1975 lại đổi chủ, cải tên thành Lập An Đường, chắc gì còn được mấy người nhớ đến (nay là cửa tiệm bán gạo, số 18, đường Hùng Vương, Khóm 1, Phường 2, thành phố Cao Lãnh). Ước mong địa chỉ nầy được mang vài dòng chữ tình nghĩa: Nơi đây, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng đến hốt thuốc, trị bệnh cho đồng bào.
Cho đến lúc nhắm mắt, ông Lưu Tấn không hề hở môi kể công cưu mang, đùm bọc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để mong nhận được một đãi ngộ nào đó - dù rằng có tính cách tinh thần, mà chỉ nghĩ rằng Hằng An Đường vô tư mở rộng cửa đón người khách phương xa – ông Thầy Huế, là một chuyện bình thường, phải đạo, thi ân bất cầu báo.
Một con người khí tiết, trọng nghĩa khinh tài như ông Lưu Tấn, thật đáng khâm phục trên cõi đời còn lắm nỗi “nhân tình éo le”!
(Đồng Tháp Xưa & Nay, số 13, tháng 1/2005, Xuân Ất Dậu, tr.27)
Tin liên quan đề xuất cho bạn
- Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu chùm ảnh về công tác chuẩn bị phục vụ Lễ giỗ lần thứ 92 của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
- NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO TRONG 60 NĂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
- Mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Mô hình nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Tháng năm nhớ Bác về thăm mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- 02 tác phẩm điêu khắc gỗ xác lập kỷ lục Việt Nam
- Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tiếp nhận tượng Bác Hồ