02 tác phẩm điêu khắc gỗ xác lập kỷ lục Việt Nam
Đăng lúc: 09:44:30 07/01/2021Nhân lễ giỗ lần thứ 85 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, ngày 18/12/2014 (nhằm 27-10 âm lịch),Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố và trao hai kỷ lục Việt Nam cho hai tác phẩm điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam cho Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.
1. Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hình hoa sen và 12 con giáp trên gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam
Bằng nguyên gốc cây dầu cổ thụ có tuổi thọ trên 100 năm tuổi có đường kính dài 5,4m, cao 2,2m do người dân ở đình Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tặng Khu di tích, nghệ nhân Lê Trí Liên chế tác thành một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo dưới sự chỉ đạo của ông Trần Thắng Vinh – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp. Tác phẩm được chế tác trong thời gian 3 tháng (từ tháng 10 – 12 năm 2012).
Mặt trên của gốc cây là hình ảnh hoa sen với 5 cánh sen cách điệu tượng trưng cho 5 lĩnh vực: lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam và ôm trọn, ấp ủ trong lòng là hình ảnh bản đồ nước Việt Nam giàu đẹp. Chọn hình ảnh hoa sen để điêu khắc bởi Sen gợi cho ta liên tưởng tới hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, sen cũng gần gũi với tính cách giản dị và là biểu tượng cho ý chí vươn lên và cốt cách thanh tao của người Việt. Như câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:
"Tháp Mười đẹp nhất bông sen,
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Bên cạnh đó là hình ảnh đàn chim Lạc Việt, biểu tượng cho truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt Nam, thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc, sự cao quý và thiêng liêng. Xung quanh vòng tròn lớn là hình ảnh 12 con giáp cùng với những đóa hoa sen, 12 con giáp tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
2. Tác phẩm điêu khắc nghệ thuật hình trống đồng Đông Sơn và 9 đầu rồng trên gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam
Hình ảnh trống đồng Đông Sơn và 9 đầu rồng được điêu khắc rất độc đáo bằng nguyên gốc dầu cổ thụ. Gốc cây Dầu này có đường kính 5,8m, nặng khoảng 10 tấn với tuổi thọ hơn 100 năm ở Đình Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, được vận chuyển về Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.
Sau quá trình chế tác, gốc cây này đã trở thành tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo với hình trống đồng Đông Sơn và 9 đầu rồng đường kính nhỏ nhất là 1,9m, lớn nhất là 5,5m và chiều cao 1,4m.
Mặt trên gốc là hình trống đồng Đông Sơn tượng trưng cho nền văn hóa Việt Nam, xung quanh là 9 đầu rồng tượng trưng cho 9 nhánh Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó có một con rồng đang thế vươn lên, bay xa tượng trưng cho ước mơ Đồng Tháp cùng với Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên, bay xa và hội nhập.
Tác phẩm điêu khắc này do nghệ nhân Lê Trí Liên (Đồng Tháp) điêu khắc trong vòng 3 tháng với ý tưởng của ông Đặng Văn Hoàng – Nguyên Giám đốc Sở Văn hoa Thể thao, Du lịch tỉnh Đồng Tháp.
Bảo Trân
Tin liên quan đề xuất cho bạn
- NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO TRONG 60 NĂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
- Mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Mô hình nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Tháng năm nhớ Bác về thăm mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tiếp nhận tượng Bác Hồ
- Ông Nguyễn Văn Sành - Hương chủ hết lòng bảo bọc, che chở cho cụ Nguyễn Sinh Sắc sống và hoạt động tại làng Hòa An
- Ông Trần Bá Lê ( Cả Nhì Ngưu) – Người cất nhà cho cụ Sắc ở lại với làng Hòa An giai đoạn 1917-1919