Sự kiện 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh và quá trình xây dựng bảo vệ ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 1954

Đăng lúc: 18:38:28 09/09/2024

Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại Phường 4, Thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp là công trình ghi dấu những công ơn to lớn của nhân dân Đồng Tháp nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Khu Di tích được Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (1975) nhằm thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhà nho yêu nước, thương dân, Người đã truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân Làng Hòa An, Cao Lãnh khi Cụ về sinh sống và hoạt động tại vùng đất này, là người có công sinh thành, dưỡng dục hình thành một nhân cách lớn, một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trước khi về Làng Hòa An – Cao Lãnh sinh sống đến cuối đời bằng hoài  bão của mình Cụ đã xuôi ngược khắp nơi để cùng nhân sĩ cả nước bàn bạc, đấu tranh cho nền độc lập nước nhà. Cụ đi khắp các tỉnh ở Nam Bộ, tiếp xúc với các thành phần ở những nơi Cụ đến và truyền bá tư tưởng yêu nước thương dân, có lúc Cụ sang Campuchia, đến đâu Cụ cũng tìm cách quan hệ với các nhà sư, nhà yêu nước, tù chính trị,… Cụ giúp nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ dịch và chú giải kinh, góp ý kiến cho phong trào chấn hưng Phật giáo,…Với danh nghĩa dạy học, bốc thuốc, trị bệnh cứu người Cụ đã khơi gợi tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp cho người dân, qua đó nhân dân đã tiếp thu tinh thần yêu nước, thương dân từ Cụ Phó bảng.

Năm 1917 và nhiều năm sau Cụ thường tới lui hoạt động ở Cao Lãnh. Năm 1927, Cụ về ở hẳn tại Hòa An - Cao Lãnh tiếp tục truyền bá chủ nghĩa yêu nước trong nhân dân với vai trò là một ông thầy thuốc bốc thuốc, trị bệnh cứu người và dạy học, với sở học của mình Cụ nhanh chóng chiếm được cảm tình của bà con địa phương cùng với các vị thân hòa nhân sĩ tại Hòa An - Cao Lãnh đã hết lòng che chở để Cụ an tâm hoạt động. Do tuổi cao, sức yếu nên Cụ qua đời vào ngày 27/11/1929 (nhằm ngày 27/10 âm lịch năm Kỷ Tỵ) trên mãnh đất Hòa An. Thi hài Cụ được nhân dân xã Hòa An mai táng trên một mảnh đất gần Miễu Trời Sanh nay là ngôi chùa Hòa Long, trên bờ rạch Cái Tôm.

Mộ Cụ lúc ban đầu được bà con Hòa An, Cao Lãnh chôn cất là mộ đất đơn sơ, bình thường. Để hạn chế ảnh hưởng của Cụ đối với bà con trong vùng cũng như các tỉnh lân cận, bọn giặc đã nghiêm cấm không cho ai đến sửa sang, tu bổ lại mộ Cụ, nhưng hễ mộ Cụ sạt lỡ ở chỗ nào thì đêm đến bà con lại đội gạch, đá ra lấp lại vì thế mà vào các dịp Lễ, Tết, tiết thanh minh… mộ Cụ luôn được nhân dân Hòa An, Cao Lãnh từ già đến trẻ thay phiên nhau đến chăm sóc, tu bổ, sửa sang và mang hoa, quả đến cúng viếng rất tươm tất.

Biết Cụ là thân sinh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, dưới thời của Pháp thuộc cũng như dưới thời Mỹ ngụy, bọn địch đã tìm đủ cách để phá hoại ngôi mộ nhưng đồng bào địa phương đấu tranh bằng nhiều cách bảo vệ ngôi mộ Cụ được chu toàn trong suốt giai đoạn từ năm 1929 đến trước năm 1954.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh Việt Nam được ký kết theo đó Nam Bộ có 03 khu tập kết: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân – Xuyên Mộc (Vũng Tàu); Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh – Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp) và Khu tập kết 200 ngày ở Giá Rai – Cà Mau. Các khu tập kết là nơi cán bộ, chiến sĩ ta tập hợp về đây để học tập các chủ trương của Trung ương, tổ chức mít ting, liên hoan mừng hòa bình, mừng kháng chiến thành công từ các vùng trước đây do giặc tạm chiếm đóng, đồng bào ta đến các khu tập kết để gặp mặt và chia tay với người thân, bạn bè sắp đi tập kết ra miền Bắc.

Cao Lãnh – Đồng Tháp là một trong ba nơi được chọn làm điểm tập kết ở miền Nam. Quân Pháp phải rút khỏi thị trấn Cao Lãnh với bán kính cần thiết 30 cây số theo qui định. Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam tại địa phương và các tỉnh lân cận trong khu vực Trung Nam bộ qui tụ về đây.

Hàng ngày, có hàng ngàn đồng bào từ Vũng Tàu, Biên Hòa, Sài Gòn, Mỹ Tho, Châu Đốc,... đổ dồn về Cao Lãnh - quê hương của cách mạng, của kháng chiến Tháp Mười. Bà con muốn nhìn tận mặt anh bộ đội Cụ Hồ, muốn thăm viếng ngôi mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy - một nhà nho yêu nước, thương dân - lại là thân sinh của Nguyễn Ái Quốc, vị lãnh tụ cách mạng Việt Nam mà họ đã biết từ Cách mạng tháng Tám, năm 1945; Nhưng do, quân Pháp tái chiếm miền Nam đẩy mạnh cuộc chiến tranh 09 năm, ý muốn về thăm Cao Lãnh của bà con lúc bấy giờ chỉ là mơ ước.

Trước năm 1954, mộ Cụ Phó Bảng là một núm xi-măng nằm trên liếp chuối, nhiều sậy đế, khi đi vào mộ phải qua con mương rộng 2,5 thước. Mấy năm giặc chiếm, Miễu Trời Sanh vắng lặng, ngôi chùa Hòa Long ghi nhiều vết tích tàn phá, đạn pháo của giặc ở thị trấn Cao Lãnh nhiều lần nã vào làm sập hồ nước, đổ mái nhà sau. Nhiều cây cổ thụ bị gãy nhánh đứng chơ vơ cạnh miếu cổ, ngói rêu xanh, cửa đóng kín. Nay thì, vùng đất phần mộ Cụ Phó Bảng được dọn cỏ sạch sẽ. Cạnh đó, ao sen hoa nở thắm. Một cây cầu vòng bằng tràm, (dài 03 thước, rộng 02 thước) có lan can, nối liền đường mòn vào mộ (lúc đó chùa Hòa Long còn quay mặt vào trong, hướng theo con đường tắt nối rạch Cái Tôm qua rạch Cái Sâu, đến cầu Tam Sơn bắc qua sông Cao Lãnh). Tấp nập khách vãng lai: già trẻ, gái trai, dân thường cũng như bộ đội, kể cả thân nhân gia đình binh lính của chế độ Sài Gòn. Nhiều người mang theo hương đăng trà quả kính dâng lên hương hồn Cụ Phó Bảng, rộn rịp đông vui như ngày hội lớn.

Một trăm ngày tập kết chuyển quân ra Bắc, công việc của kẻ ở người đi vô cùng bề bộn. Mọi việc từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc đều vội vàng. Ta cũng vậy, đối phương cũng vậy. Lớp lo cho người đi, lớp tính đến kẻ ở lại “Đi vinh quang, ở anh dũng”. Về cuối còn gần một tuần lễ nữa là hết hạn, thì mọi việc đều chạy đua theo từng giờ từng phút với thời gian mà vẫn gần như không kịp. Ngày như ngắn quá, đêm như quá mau; Và mọi việc đều chưa rồi, chưa xong, chưa dứt,... mặc khác, thời gian của hiệp định đình chỉ chiến sự từng khu vực không thể trì hoãn thêm bất cứ một giờ khắc nào. Vì vậy mà phải tăng cường cường độ, xả hết tốc lực để hoàn tất cả một khối công việc trong thời điểm giới hạn tuyệt đối đó.

Trong khí thế ấy, Tỉnh ủy Long Châu Sa đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 311, các đại đội địa phương quân (một số đơn vị bạn tập kết ở đây cũng phụ giúp như: 309 Mỹ Tho, 308 phân khu miền Đông...) xây dựng công trình đài chiến sĩ ở ngã tư chợ Cao Lãnh và trùng tu ngôi mộ Cụ Phó Bảng bằng gạch, xi măng, có trụ với lan can sắt bao chung quanh. Nền mộ với kích thước (4,5m x 3m x 0,5m), núm mộ (2m x 0,8m). Bia mộ ghi: “Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy - nhà chí sĩ cách mạng - chết ngày 27 tháng 11 năm Kỷ Tỵ 1929. Quân dân chánh Long Châu Sa lập”.

Xây dựng mộ Cụ Phó Bảng, trực tiếp là một đại đội, còn nhân dân thì tham gia rất đông. Mấy ngày đầu dân đứng nghẹt đường Cao Lãnh - Cầu Bắc (chưa rải đá). Hàng ngày trên 100 bộ đội và dân thi công. Dân tiếp tế luôn cả cơm nước cho bộ đội. Gạch, cát, đá... lấy từ chùa Hòa Long bị đổ trong chiến tranh, một số do các lò gạch trong vùng hiến. Thợ hồ làm giúp không tính công.

Đơn vị này đi, đơn vị khác tiếp tục công việc... Trong vòng tháng đầu tập kết, ngôi mộ được xây xong và làm lễ khánh thành. Trước khi rời Cao Lãnh xuống tàu ra Bắc, các đơn vị bộ đội nghiêm chỉnh đến mộ đặt vòng hoa tưởng niệm Cụ Phó Bảng.

Ông Lê Chí Đức sinh năm 1932, là cán bộ Ban chính trị Tỉnh đội Mỹ Tho – một nhân chứng lịch sử đã đi tập kết ở Cao Lãnh vào năm 1954, người đã đứng trong hàng ngũ dọn cỏ và chụp ảnh mộ Cụ Sắc, mang ra Hà Nội gửi Bác ngày tập kết kể lại rằng: “Hồi đó chiến tranh, giặc đánh phá rất ác liệt, nhân dân chỉ bảo vệ được mộ Cụ Sắc chứ không dám làm gì, cỏ mọc um tùm. Mình chỉ biết mộ nằm chỗ đó. Cả đơn vị cùng nhau đến xây, nhân dân xã Hòa An đóng góp vật liệu, các đồng chí trong đơn vị mỗi người một việc.

Chúng tôi xây vào tầm 9, 10h sáng, một ngày thì xong, xây xong quét vôi trắng, cũng có bia mộ nhưng đơn sơ chứ chưa được đẹp như bây giờ. Sau đó, mọi người quyết định sẽ chụp 02 tấm ảnh mộ Cụ Sắc và mang 01 nắm đất ở mộ Cụ ra Hà Nội gửi Bác. Nắm đất được gói trong 01 tờ báo. Mộ được xây xong thì đơn vị tôi bàn giao cho nhân dân xã Hòa An rồi lên đường ra Bắc”.

Sau khi xây dựng lại mộ Cụ xong thì khu vực chùa Hòa Long - mộ Cụ Phó Bảng trở thành nơi để mọi người đến viếng và tổ chức các cuộc hội họp quan trọng.

Mặt trận Dân vận tỉnh Long Châu Sa có nhóm một phiên họp thân hào nhân sĩ Cao Lãnh nhằm học tập về sách lược đấu tranh cho Hòa Bình, tại địa điểm Miễu Trời Sanh. Rất đông bà con tới dự phiên họp đó với tinh thần phấn khởi và cởi mở.

Trước khi hết hạn thời gian tập kết, Việt Minh và đại diện Liên hiệp Pháp tổ chức lễ bàn giao tại nhà hội Mỹ Trà vào một buổi sáng, trước sự chứng kiến của đông đảo thân hào nhân sĩ, các bậc kỳ lão và nhân dân địa phương. Đoàn học sinh cũng mang hoa đến hành lễ. Tại buổi lễ bàn giao, Ủy ban kháng chiến hành chánh Long Châu Sa đã đọc bài diễn văn cuối cùng làm nhiều người xúc động.

Theo đó, nội dung bài diễn văn nói lên tình nghĩa quân dân, niềm luyến lưu giữa người đi kẻ ở. Động viên đồng bào thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng thời đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, trong đó có hai công trình: Đài chiến sĩ và phần mộ Cụ Phó Bảng. Hai năm sau thống nhất nước nhà sẽ gặp lại trong ngày vui sum họp.

Đại diện phái đoàn ta và đại diện Liên hiệp Pháp cùng ký tên vào biên bản bàn giao. Chỉ thị của Tỉnh ủy Long Châu Sa lúc tập kết có đoạn viết... “đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ theo hiệp định Giơ-ne-vơ... bảo vệ thành quả cách mạng do công lao xương máu của chiến sĩ và nhân dân mà có được, chủ yếu: Đài liệt sĩ, ngôi mộ Cụ Phó Bảng. Do đó, nhân dân ta phải có trách nhiệm giữ gìn, nhất là nhân dân Cao Lãnh".

Chuyến tàu cuối cùng chở bộ đội tập kết, rời Cao Lãnh chẳng bao lâu thì chính quyền Sài Gòn tung tin: tàu chở Việt Minh ra Bắc bị chìm gần hết, Việt Minh đã bị Pháp Mỹ đánh lừa ra Bắc chết đói, Nga Mỹ đã ưng thuận chia đôi Việt Nam v.v...

Tại Cao Lãnh, chúng chủ trương phá bỏ những công trình lưu niệm được quân dân ta xây dựng trong thời gian tập kết, trong đó hai cái “gai” cắm vào mắt làm chúng nhức nhối là Đài “Tổ quốc ghi công” anh hùng liệt sĩ và phần mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy.

Kế hoạch phá đài liệt sĩ được chúng đưa ra thực hiện trước để thăm dò phản ứng của quần chúng.

Trước tình hình bất lợi về chính trị và mất tình cảm trong việc phá Đài liệt sĩ - một công trình tượng trưng mới có trong 100 ngày tập kết, chính quyền địa phương tỏ ra dè dặt, thận trọng hơn trong việc phá phần mộ Cụ Phó Bảng. Bởi lẽ, Cụ Phó Bảng là một con người cụ thể, có thân thế sự nghiệp rõ ràng. Cụ đã đi vào trái tim của nhân dân địa phương. Cụ lại là thân sinh của một vị Chủ tịch nước, người có uy tín lớn ở trong và ngoài nước. Chúng phải tính toán từng bước một, phải thống nhất từ trên xuống dưới. Chúng vạch kế hoạch tiến hành phá mộ qua hai bước:

Bước đầu: Tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Cộng sản để kích động và lôi kéo sự đồng tình của nhân dân. Từ đó, đặt vấn đề Cụ Phó Bảng. Cắt đứt tình cảm thiêng liêng của đồng bào đối với Cụ.

- Bước hai: Bốc mộ.

Những năm khó khăn nhất của kháng chiến, Cao Lãnh bị chiếm đóng nặng nề do một chính quyền chia năm xẻ bảy gồm những phần tử phản đạo trong các tôn giáo địa phương... quốc gia bù nhìn và Com - măn - đô Pháp. Giặc một mặt khủng bố, tàn sát dã man, một mặt ngoa truyền rằng: “Chính phủ cách mạng là Cộng sản: không gia đình, không tổ quốc, giết đạo, tiêu diệt người giàu. Mộ Cụ Phó Bảng là ổ Cộng sản. Ai đi viếng mộ Cụ, kẻ ấy là Cộng sản".

Đỉnh điểm là vào năm 1958, theo yêu cầu của tên tỉnh trưởng Nguyễn Quốc Hoàng các thân hào, nhân sĩ (Chức sắc, đại diện các tôn giáo) đến dinh Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Phong họp bàn việc di dời hài cốt Cụ Phó Bảng về nơi lăng tẩm triều đình Huế cho xứng đáng với công lao của Cụ, vì Cụ Phó Bảng vừa là quan nhất phẩm của triều đình vừa là bạn chí thân của Ngô Đình Khả….

Nhưng các vị thân hào nhân sĩ đồng phản đối: Bốc mộ một người quá vãng có con em trên đường đấu tranh, vô tình khơi dậy sự phẫn uất, thất nhân tâm. Xứ này có nhiều thân chủ quí mến Cụ Phó Bảng, nếu không khéo chúng ta sai phạm tập quán, thuần phong mĩ tục, người ta cho rằng mình thù oán cá nhân… mình phá mộ Cụ Phó Bảng thì ngoài kia Việt Cộng sẽ phá mộ ông già của Ngô Tổng thống để trả đũa - Cuộc họp bất thành.

Sau khi giở hết mọi thủ đoạn nhằm phá bỏ di tích và xóa bỏ ảnh hưởng của Cụ Phó Bảng đối với người dân địa phương, nhưng tất cả âm mưu của bọn chúng đều bất thành. Bọn chúng quay trở lại bắt những người sửa sang bảo vệ mộ Cụ; Nhưng nhân dân vẫn một mực quyết lòng bảo vệ mộ Cụ. Bằng mọi hành động, bằng mọi hoàn cảnh, học sinh – sinh viên từ các nơi: Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên… nườm nượp kéo đến Cao Lãnh viếng thăm mộ Cụ Phó Bảng. Nhân dân lừa ép lính gác uống say rượu, cho người của mình vào sơn quét mộ Cụ. Tận dụng đêm đen tối trời, chia người đánh lạc hướng giặc để người khác vào quét mộ Cụ. Tất cả các ngôi mộ đều được sơn phết một cách kỹ lưỡng trên tinh thần làm phước… một hình thức quen thuộc được áp dụng thường xuyên trong những năm ngặt nghèo.

Nói chung, những việc làm tưởng chừng đơn giản ấy, nhưng để làm được nhân dân đã trải qua rất nhiều khó khăn. Công tác sơn quét mộ Cụ là việc làm hàng năm, có năm bình thường, có năm cam go, năm làm sớm, năm làm muộn. Tùy theo tình hình và tùy theo giai đoạn lịch sử, có thể xem công tác này như một trận đánh, phải được tổ chức chu đáo, lên kế hoạch cụ thể, có sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ giữa lực lượng hợp pháp và lực lượng bí mật. Tìm mọi sơ hở của địch mà tiến công. Chính vì vậy, vào những dịp tết cổ truyền năm nào mộ Cụ cũng được bà con quét vôi và đem hoa quả đến cúng viếng Cụ tươm tất.

Trải qua những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Cao Lãnh vẫn luôn đứng lên đấu tranh bảo vệ và gìn giữ vẹn nguyên ngôi mộ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó có thể thấy được tình cảm sâu nặng của nhân dân Hòa An, Cao Lãnh đối với Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, với Bác Hồ kính yêu.

Trên quê hương Cao Lãnh, Đồng Tháp - nơi yên nghỉ ngàn thu của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng - gìn giữ và tôn tạo ngày một khang trang hơn, thể hiện tấm lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc của nhân dân Đồng Tháp đối với thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành điểm đến không thể thiếu của đông đảo nhân dân cả nước cũng như du khách ngoài nước khi đến thăm quê hương Đồng Tháp. Đất Sen hồng luôn ôm ấp và chở che cho Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lúc sinh thời hay lúc trở về với đất mẹ. Để rồi, cũng chính từ vùng đất còn in đậm dấu chân cũng như tấm lòng của một vị Phó bảng giàu lòng yêu nước thương dân, quê hương Sen hồng Đồng Tháp trở nên nồng ấm hơn, ngát hương hơn trong nghĩa tình tưởng nhớ - tri ân và tôn vinh: Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - nhà nho yêu nước, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - một đóa sen ngát hương - một vì sao sáng soi đường cho các thế hệ mai sau./.

Một số hình ảnh nổi bật:

Bức ảnh ngôi Mộ Cụ năm 1954

Ảnh tiểu đoàn 311 trước khi xuống tàu tập kết ra Bắc

Ngọc Hoài

* Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đắc Hiền, Nguyễn Hữu Hiếu, Ngô Bé, (2008). Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Việt Nam: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

2. Đề cương thuyết minh của Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc.

 

 

‹ First<26272829>
Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn và ghi nhớ công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người có công lớn sinh thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các thế hệ Việt Nam nguyện phấn đấu ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Phạm Thế Duyệt
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn công tác của Bộ Công an đến dâng hương và viếng khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trước vong linh của Cụ và Mộ của Cụ đoàn công tác kính cẩn nghiên mình và trân trọng. Cám ơn ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Tấn Tới
Viếng Cụ Nguyễn Sinh SắcCon đến viếng thăm nơi Cụ an nghỉThành phố Cao LãnhLàng Hòa An xưa… Lăng mộĐền thờNhà lưu niệmTượng Thầy đồ giản dịĐài Sen sáng giữa hồ Sao… Cụ lặng lẽ dưới cánh senHướng về phía mặt trời lênSen làng SenSen Đồng ThápCửu Long canh giấc ngàn thu. Nhà ... Xem thêm
Tháng 05/2017 - Đinh Y Văn
Về đất Sen thắp hương Cụ Nguyễn Sinh Sắc, điều mà tôi thấy được ở đây không chỉ là cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Cụ mà còn hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong ... Xem thêm
Tháng 03/2016 - Lê Nguyên Đức
LỊCH CÔNG TÁC
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ
TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Bạn đã đến thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc bao nhiêu lần?

Một lần
Hai lần
Nhiều lần
Không nhớ


THỐNG KÊ TRUY CẬP
2122089
Hôm nay: 150
Tuần này: 45215
Tháng này: 13951