NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO TRONG 60 NĂM HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Đăng lúc: 18:36:28 31/08/2021Đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 – 24/7/1999) tên thật là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ra và lớn lên tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh. Ông nguyên là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bề dày truyền thống yêu nước, đồng chí Lê Quang Đạo đã sớm lĩnh hội, giác ngộ lý tưởng cách mạng và trở thành chiến sĩ cộng sản khi còn rất trẻ. Năm 1941, ông tham gia hoạt động cách mạng và lấy tên Lê Quang Đạo. Ông được đánh giá là một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta khi được trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt….và là một trong số ít những đồng chí được tham dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Trẻ tuổi, dũng cảm và năng động ông cũng được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách như Bí thư Ban cán sự đảng các tỉnh như Bắc Ninh, Phúc Yên…với vai trò là người lãnh đạo, tổ chức và đào tạo cán bộ chủ chốt cho phong trào quần chúng đấu tranh, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, dù trên cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 60 năm, đồng chí là Người đã có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau:
Đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam ông được xem là Người chỉ huy chính trị, quân sự - Anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam khi chủ động đề xuất những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị trong bộ đội và viết nhiều tài liệu về công tác chính trị tư tưởng xây dựng Đảng đặc biệt là các tài liệu chỉnh huấn, chỉnh quân góp phần xây dựng ngành tuyên huấn quân đội ngày càng hoàn thiện về tổ chức và giỏi về nghiệp vụ. Với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo, được mệnh danh là “Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy. Anh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị và tư tưởng, trực tiếp chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị trong chiến dịch, chiến đấu...”.
Trong lĩnh vực Khoa giáo của Đảng đồng chí là một nhà lý luận. Với trai trò là Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng với tập thể lãnh đạo, cán bộ Ban Khoa giáo Trung ương tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, gặp gỡ để lắng nghe ý kiến tâm huyết, trí tuệ của nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, góp phần tìm ra giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn, đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Thông qua gặp gỡ, tọa đàm, hội thảo đó, vấn đề đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực lần đầu tiên được đề cập và đã được tổng hợp báo cáo trực tiếp với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Nhiều vấn đề của báo cáo đã được thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua.
Trong công tác lập hiến, lập pháp của Quốc hội và tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đồng chí cũng rất chú trọng đổi mới phong cách làm việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn thực sự dân chủ, đổi mới đã phát huy trí tuệ của các đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết trong Quốc hội.
Trong công tác lãnh đạo xây dựng Mặt trận Việt Nam, phát huy vai trò của Mặt trận, tăng cường đổi mới công tác Mặt trận, không ngừng nâng cao chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế trong thời kỳ đổi mới đất nước. Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong xây dựng Mặt trận, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, như: giúp Trung ương Đảng xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đặc biệt năm 1993, Đồng chí đã cùng cán bộ, Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Đảng ban hành Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, một nghị quyết tạo bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ghi nhận những công lao to lớn của Đồng chí với dân tộc, Đảng, Nhà nước tặng Đồng chí Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, là tấm gương tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực về đạo đức, phẩm chất cách mạng, là tấm gương về ý chí kiên cường với tinh thần tiên phong quả cảm, mẫu mực về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của khối đại đoàn kết dân tộc, một nhà yêu nước chân chính, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Bắc Ninh suốt đời chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”, là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 – 8/8/2021) là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất Tổ quốc; qua đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ngọc Hoài
Tài liệu tham khảo:
Định hướng tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 – 8/8/2021), Công văn số 387-CV/BTGTU – 30/7/2021 Công văn của Ban
Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Tháp v/v Định hướng tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921 – 8/8/2021).
Website: http://www.baosonla.org.vn; http://www.hocviencanbo.hochiminhcity.gov.vn
Tin liên quan đề xuất cho bạn
- HẰNG AN ĐƯỜNG VÀ ÔNG THẦY HUẾ
- Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu chùm ảnh về công tác chuẩn bị phục vụ Lễ giỗ lần thứ 92 của Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
- Mô hình Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Mô hình nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Kỷ vật về Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được Bác Hồ cất giữ tại Nhà sàn
- Tháng năm nhớ Bác về thăm mô hình Nhà sàn Bác Hồ tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
- 02 tác phẩm điêu khắc gỗ xác lập kỷ lục Việt Nam
- Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tiếp nhận tượng Bác Hồ