Nhà trưng bày cụ Nguyễn Sinh Sắc

Đăng lúc: 17:23:05 10/02/2017

Toàn cảnh Nhà trưng bày cụ Nguyễn Sinh Sắc

Song song Nhà Kiếng là Nhà trưng bày cụ Nguyễn Sinh Sắc với diện tích 960 m2.. Nhà trưng bày mái lợp ngói, cột đổ bê tông, tường gạch, nền lát gạch granit, có một của chính và 4 cửa phụ.

Nhà trưng bày 

Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trưng bày là bức tượng đồng cụ Nguyễn Sinh Sắc trong  tư thế ngồi trên ghế,  tay cầm sách, mặt hướng ra trước với tầm bao quát rộng. Sau lưng tượng là hệ thống đai mỹ thuật 3 lớp cách điệu hình hoa sen màu hồng, tượng trưng cho cuộc sống thanh bạch, giản dị của cụ Phó bảng nhưng bên trong ẩn chứa sức sống mãnh liệt.

Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc tại nhà trưng bày

Chia đều hai bên đai cánh sen là bảng trích giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc. Hai bức tranh lớn “Sông Lam Núi Hồng” - Nơi sinh ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phong cảnh Đồng Tháp - Quê hương thứ hai nặng nghĩa tình, nơi hai lần Cụ về sinh sống, hoạt động gắn bó lâu dài và an nghỉ lúc cuối đời.

Bố cục trưng bày theo 4 chủ đề, triển khai theo niên biểu nhằm phản ánh chân thực lịch sử - Cuộc đời sự nghiệp một nhà nho yêu nước, người có công sinh thành và có ảnh hưởng to lớn  đến cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Quê hương và gia đình; những năm tháng khổ luyện thành tài; chốn quan trường - Từ quan vào Nam hoạt động; tình cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

* Chủ đề 1: Quê hương và gia đình:

Mở đầu là hộp hình bằng chất liệu composite, sơn vẽ màu mô tả làng quê Kim Liên – Nam Đàn đầu thế kỷ XX quê hương của cụ Sắc và hộp hình lớp học của thầy đồ Vương Thúc Mậu: Nhà tranh vách liếp (chất liệu composite), các tượng nhân vật thầy và trò tái hiện như tỉ lệ thật – Bên ngoài cậu Sắc cột trâu ở bụi tre, thập thò nhìn vào khung cửa sổ lớp học.

Lớp học thầy đồ Vương

Các ảnh chân dung của cả gia đình: Cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ bà Hoàng Thị Loan, cô Nguyễn Thị Thanh, cậu Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ);  

Tiếp theo là mô hình thu nhỏ ngôi nhà cụ Hoàng Xuân Đường cất cho vợ chồng cụ Sắc ra ở riêng ở làng Hoàng Trù; hộp hình lớn dựng lại một góc nhà trong đó là hình ảnh cụ bà Loan (tượng composite tỉ lệ bằng người thật) ngồi bên khung cửi dệt vải, đưa võng ru con… Thể hiện đức tính của người phụ nữ Việt Nam tần tảo nuôi con, giúp chồng ăn học đến thành đạt.

Phần này phác họa những nét cơ bản của gia đình Cụ Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Hoàng Trù, Kim Liên, Nam Đàn Nghệ An lúc sinh thời.

Chủ đề 2: Những năm tháng khổ luyện thành tài

Tổ hợp mỹ thuật: Gia đình cụ Sắc trên đường vào Huế

Tổ hợp mỹ thuật (tranh, tượng): Trên con đường thiên lý với phong cảnh núi rừng hùng vĩ cụ bà Loan quang gánh trên vai, bé Cung và Khiêm mải mê nghe cụ Sắc giảng giải vẻ đẹp của non sông đất nước; tiếp đến là tái hiện cảnh một góc nội thất ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan – Nơi gia đình cụ Sắc sống tại Huế và cũng là nơi cụ bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng.

Để khắc họa sự khổ luyện, miệt mài trong học tập của cụ Sắc cùng với sự hy sinh thầm lặng của cụ bà Hoàng Thị Loan phần trưng bày mảng này còn được điểm thêm 2 mô hình thu nhỏ: Trường Quốc Tử Giám – nơi cụ Sắc khổ luyện thành tài thi đỗ Phó bảng và Khu mộ cụ bà Hoàng Thị Loan được trưng bày trang trọng.

Nổi bật trên đai trưng bày là bức tranh nhân dân xã Chung Cự đón tân khoa Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vinh quy bái tổ về làng; hiện vật: sách “Quốc triều khoa bảng lục” có tên Nguyễn Sinh Sắc trong danh sách những người đậu Phó bảng khoa Tân Sửu 1901; biển “Ân tứ Ninh gia” vua ban tặng khi Cụ đỗ phó bảng; Cờ, võng, lọng ...

Chủ đề 3: Chốn quan trường – Từ quan vào Nam hoạt động.

Không gian trưng bày được mô phỏng kiến trúc cung đình Huế. Tấm biển ghi câu nói của cụ Sắc “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn) được đặt ở trang trọng trên đai trưng bày.

Tủ hiện vật: Sách “Khoa bảng Nghệ An - Hà Tĩnh – Quảng Bình qua tài liệu mộc bản Triều Nguyễn”  và phiên bản mộc bản khắc về cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; kề bên là tủ văn bản, tài liệu của triều Nguyễn về việc bổ nhiệm, cách chức, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong quá trình làm quan (1906 -1910).

Một góc trưng bày về cuộc đời cụ Nguyễn Sinh Sắc

Đối diện là hình ảnh toàn cảnh kinh thành nhà Nguyễn và Tòa Khâm sứ Trung kỳ; tranh nơi làm việc của Bộ Lễ; Huyện đường Bình Khê – Bình Định.

Mở đầu giai đoạn cụ Nguyễn Sinh Sắc từ quan và vào Nam hoạt động là  tổ hợp mỹ thuật mô tả việc cụ Nguyễn Sinh Sắc đưa Nguyễn Tất Thành gặp cụ Phan Chu Trinh ở Mỹ Tho (3/1911) và tổ hợp cụ Sắc trước Bến cảng Nhà Rồng đầu thế kỷ XX với những ước vọng về Nguyễn Tất Thành ở phương Tây.

Trên đai liền kề là hình ảnh về các địa chỉ Cụ từng đến hoạt động như: Nhà Ông Lê Văn Đạt 185/1/Cô Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh; Chùa Hội Khánh ở Bình Dương; Chùa Hòa Thạnh ở An Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang; Chùa Kim Tiên ở Cai lậy, Tiền Giang….

Các tủ âm chìm vào đai trưng bày hiện vật của cụ Sắc: Tiền xu, thanh quế khâu; sách ngữ vựng tiếng Pháp. Những trang kinh Lăng nghiêm có lưu bút tích của cụ Sắc; bản dịch sang tiếng Pháp của mật thám về Giấy chứng nhận tín đồ Đạo Phật của cụ Sắc...

Nằm ở diện sàn là tủ văn bản: Các công văn mật, hồ sơ của mật thám Pháp theo dõi quá trình hoạt động của Cụ Sắc như Hồ sơ theo dõi A 3780I, Hồ sơ Nhân dạng, Điện tín mật mã của Pháp theo dõi cụ Sắc…..

Kết thúc chủ đề này là tổ hợp mỹ thuật gồm tranh, tượng: Cụ Sắc và cụ Lê Chánh Đáng bàn bạc cùng thanh niên Phạm Hữu Lầu và Lưu Kim Phong – Đây là thành tựu rõ nét nhất, lớn nhất mà cụ Sắc đạt được trong quá trình hoạt động thăng trầm của mình: Cụ đã góp phần cùng nhóm Thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội đưa nhân dân Cao Lãnh chuyển sang giai đoạn phát triển, giai đoạn chuyển tiếp giữa truyền bá tư tưởng yêu nước với việc hình thành một số tổ chức tiền thân của chính Đảng Cộng sản ở địa phương.

Tổ hợp mỹ thuật: Cụ Sắc, cụ Đáng cùng Phạm Hữu Lầu và Lưu Kim Phong

Chủ đề 4: Tình cảm của cụ Sắc đối với nhân dân Hòa An và nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với Cụ.

Nổi bật trên đai là cụm ảnh các nhân vật có quan hệ mật thiết với Cụ Sắc: Lê Quang Hiển, người tạo điều kiện mời cụ Sắc về Cao Lãnh; Lê Chánh Đáng, Võ Hoành, Nguyễn Quang Diêu – Những nhà nho yêu nước có tư tưởng tiến bộ giống như Cụ và ảnh đ/c Phạm Hữu Lầu, đ/c Lưu Kim Phong – Những thanh niên Cách mạng Đồng Chí Hội.

Tiếp đến là câu đối sơn son thiếp vàng của cụ Sắc viết tặng mẹ ông Hội đồng Vị để chia buồn:

Thỉnh chẩn bất dung từ vi hiếu tử tâm trung hữu mẫu

Đầu thang phi thị ngộ duy trinh tiết phụ thệ tòng phu.

(Mời đi khám bệnh chẳng chối từ, bởi lẽ trong lòng người con hiếu thảo luôn có bóng hình mẹ.

Bốc cho thang thuốc chẳng phải nhầm đâu, vì thấy người đàn bà trinh tiết thệ nguyện được đi theo chồng.)

Kế đó là tranh tiệm thuốc bắc Hằng An Đường – nơi hàng ngày Cụ kê toa bốc thuốc trị bệnh cho nhân dân  và tranh Cụ Sắc điều trị bệnh cho cụ Nguyễn Quang Diêu – Một nhà nho yêu nước trong phong trào Đông Du.

Bên dưới là 2 tủ hiện vật của cụ Sắc dùng trong cuộc sống và trong việc bào chế thuốc: Lồng đèn, hộp thuốc, cối đâm thuốc, bàn tán thuốc

Để chuyển tiếp qua phần trưng bày tình cảm của nhân dân Hòa An với cụ Sắc là mô hình ngôi nhà ông Năm Giáo (tỉ lệ 1/10) – nơi cụ Sắc về sống hoạt động trong tình yêu thương của nhân dân Hòa An, Cao Lãnh thời gian 1927 -1929.

Trên đai là bức tranh nhân dân Hòa An chăm lo lúc Cụ Sắc trở bệnh nặng. Tiếp đến là tranh nhân dân Hòa An đưa tiễn Cụ tới nơi an nghỉ cuối cùng, và cảnh nhân dân Hòa An đổ nấm mộ Cụ vào ban đêm trong sự rình rập của kẻ thù; Phía dưới chân đai là là hai lớp trang trí mỹ thuật mô phỏng những cành lá và hoa sen vươn lên, đan xen vào nhau thể hiện sự đoàn kết đùm bọc của người dân Đồng Tháp cùng ra sức chăm lo, chăm sóc giấc ngủ ngàn thu cho Cụ được yên bình.

Chuyển qua phần tình cảm của nhân dân cả nước với Cụ Nguyễn Sinh Sắc là là bảng trích nội dung bài báo “Cụ phó bảng Huy tạ thế” của báo Thần Chung; cụm ảnh bộ đội viếng mộ Cụ và xây dựng lại mộ Cụ khang trang vào năm 1954, kế tiếp là ảnh Dinh tỉnh trưởng tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp) nơi họp bàn việc di dời (bốc phá) ngôi mộ Cụ về triều đình Huế.

Hộp hình lớn diễn tả sự đấu tranh gìn giữ mộ Cụ trong thời kỳ chống Mỹ của nhân dân ta: Trước hậu cảnh là bức tranh diễn tả quang cảnh khu mộ Cụ Sắc có nhóm tượng (Chất liệu composite sơn vẽ màu) thể hiện sự giằng co quyết liệt giữa một bên là dân chúng, học sinh, sinh viên với một bên là ngụy quân, ngụy quyền mà ưu thế nghiêng về phía nhân dân bảo vệ mộ Cụ.

Tủ hiện vật: lưỡi cưa sắt, bàn chải sắt… những hiện vật nhân dân đã sử dụng trong việc sơn quét mộ hằng năm.

Cuối cùng là một số hình ảnh và hiện vật về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp và cả nước xây dựng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

Khách tham quan đang nghe thuyết minh tại nhà trưng bày 

Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn và ghi nhớ công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người có công lớn sinh thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các thế hệ Việt Nam nguyện phấn đấu ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Phạm Thế Duyệt
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn công tác của Bộ Công an đến dâng hương và viếng khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trước vong linh của Cụ và Mộ của Cụ đoàn công tác kính cẩn nghiên mình và trân trọng. Cám ơn ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Tấn Tới
Viếng Cụ Nguyễn Sinh SắcCon đến viếng thăm nơi Cụ an nghỉThành phố Cao LãnhLàng Hòa An xưa… Lăng mộĐền thờNhà lưu niệmTượng Thầy đồ giản dịĐài Sen sáng giữa hồ Sao… Cụ lặng lẽ dưới cánh senHướng về phía mặt trời lênSen làng SenSen Đồng ThápCửu Long canh giấc ngàn thu. Nhà ... Xem thêm
Tháng 05/2017 - Đinh Y Văn
Về đất Sen thắp hương Cụ Nguyễn Sinh Sắc, điều mà tôi thấy được ở đây không chỉ là cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Cụ mà còn hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong ... Xem thêm
Tháng 03/2016 - Lê Nguyên Đức
LỊCH CÔNG TÁC
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ
TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Bạn đã đến thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc bao nhiêu lần?

Một lần
Hai lần
Nhiều lần
Không nhớ


THỐNG KÊ TRUY CẬP
2121266
Hôm nay: 2861
Tuần này: 44392
Tháng này: 13128