Một góc làng Hòa An xưa

Đăng lúc: 10:54:37 21/03/2019

Một góc làng Hòa An xưa

Một góc làng Hòa An xưa được tái hiện lại nằm trong khuôn viên của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Bước qua cầu vào làng, hình ảnh đầu tiên là bức tượng của cụ Nguyễn Sinh Sắc được tạc bằng đá  đặt  trên một bệ cao, khắc họa hình ảnh của một ông “Thầy Huế” áo nâu, túi vải về làng với một dáng vẻ nho nhã, ung dung, giản dị tạo cho ta một cảm giác gần gũi thân thương. Men theo con đường làng, len lỏi qua những hàng dừa, hàng me xen lẫn những cây vú sữa  trong con rạch nhỏ, những ngôi nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa  …  bên cạnh đó là các tổ hộp mô tả cuộc sống đời thường, cách sinh hoạt, ứng xử của người dân Hòa An xưa, một số nghề đặc trưng như: nghề xắt thuốc rê, chằm lá, nghề rèn, nghề mộc, đờn ca tài tử, đá gà.… đã làm sống lại hình ảnh ngôi làng Hòa An. Bên cạnh đó là các ngôi nhà di tích xưa như nhà ông Năm giáo, nhà ông Trần bá Lê (Cả nhì Ngưu), nhà ông Cả nhì Ngưu cất cho cụ Sắc ở cũng được tái hiện lại trong không gian khu làng Hòa An xưa tạo cho ta như vẫn thấy ẩn hiện đâu đây hình bóng cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng đến sinh sống và yên giấc ngàn thu, nhưng tinh thần của Cụ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Hòa An – Cao Lãnh.

+ Nhà Ông Lê Văn Giáo (Năm Giáo), (tỉ lệ 1/1)

Nhà ông Năm Giáo

       Ông Năm Giáo là một nông dân nghèo góa vợ sống cùng con nuôi là anh Lê Văn Chất– nơi đây Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từng đến sinh sống từ năm 1927 cho đến những năm cuối đời. Tuy chỉ là mô hình nhưng cũng phần nào giúp cho du khách cảm nhận được cả cuộc đời giản dị, đạm bạc của một nhà nho, một thầy thuốc từng là Tri huyện Bình Khê vì chán cảnh quan trường mà về sống trong lòng nhân dân, yêu thương giúp đỡ, gắn bó, chia sẻ những khó khăn của người dân, qua đó cho ta thấy được một nhân cách cao cả. Cũng chính vì thế, hình ảnh của Cụ luôn là niềm tự hào của người dân Hòa An - Cao Lãnh, một ông “Thầy Huế” luôn sống trong tâm thức của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Hòa An nói riêng.

+ Nhà ông Cả Nhì Ngưu cất cho Cụ Sắc ở (tỉ lệ 1/1)

Nhà ông Cả nhì Ngưu cất cho cụ Sắc ở

Từ năm 1917 đến 1919, để Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hoạt động thuận lợi, ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu) cho cất một căn nhà nhỏ cho Cụ ở trong vườn nhà.Tại đây, Cụ Sắc xem mạch, kê toa, làm thuốc. Người đến xem mạch và chữa bệnh rất đông. Lần đầu về ở tại Cao Lãnh, Cụ kết thâm giao với các nhà nho  yêu nước: Cụ Võ Hoành yếu nhân trong phong trào Đông kinh Nghĩa thục - quê Hà Đông Hà Nội bị an trí ở Sadec; Cụ Lê Chánh Đáng tham gia phong trào Đông Du - Có một người con là Lê Văn Sao có thời gian hoạt động chung cùng Nguyễn Ái Quốc ở Pari (Pháp).

+ Nhà Ông Trần Bá Lê (Cả Nhì Ngưu) (tỉ lệ 1/1)

Rời khỏi ngôi nhà Cả nhì Ngưu cất cho Cụ Sắc ở, men theo con đường nhỏ trong rạch cái Tôm đến thăm nhà của ông Trần Bá Lê. Ông là một người yêu nước luôn có lòng nhiệt thành cách mạng. Năm 1907, ông đóng ghe, tàu đi HongKong, Thái Lan làm kinh tài cho phong trào Đông Du. Khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến Hòa An Cao Lãnh  được ông mời về ở tại nhà mình và sau đó cất căn nhà lá nhỏ trong vườn nhà để cụ Sắc ở trong khoảng thời gian 1917 -1919. Năm 1930, ông tham gia cuộc biểu tình chống Pháp, nuôi chứa chi bộ Đảng Hòa An bị Pháp bắt tù đày và mất trong Khám lớn Sài Gòn. Ngày 14 tháng 8 năm 2014, ông Trần Bá Lê được Chính Phủ công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ Quốc ghi công.

Ngôi nhà ông Trần Bá Lê được phục dựng và có thiết kế nội thất tương tự với nguyên bản, mang đặc điểm kiến trúc nhà ở của tầng lớp địa chủ có quyền thế trong làng lúc bấy giờ bằng những cách bày trí sang trọng, quý phái. Hiện vật được phục chế giống như hiện vật gốc đang lưu giữ tại gia đình, đặc biệt trong đó có các hiện vật gốc như : Hai đôi liễn, hoành phi, đồng hồ, cặp sừng nai, nồi đồng, chén bát dĩa…. Bước vào nhà, ngay trước hàng ba phía trước là chiếc bàn tròn được làm bằng gỗ quý dùng để  tiếp khách, đãi trà; bên trong nhà giữa là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách quan trọng;  ở giữa trong cùng là bàn thờ tổ tiên được đặt ở chánh diện của ngôi nhà hướng ra cửa cái.

Cũng như các ngôi nhà Nam Bộ xưa, gian bếp của nhà ông Cả là nơi nấu nướng ăn uống. Vì thế, gian bếp được bố trí khá đặc biệt với nhiều vật dụng phong phú, thể hiện tính cách phóng khoáng và khả năng sáng tạo của gia chủ.

Ngoài chức năng nấu nướng, tiếp khách, bếp còn là nơi nghỉ trưa thoải mái, mát mẻ. Chiếc bộ ngựa mát rượi trong nhà bếp, bình thường là nơi dọn mâm cơm, để cơi trầu, cũng là nơi gia chủ ngả lưng lấy sức sau một buổi làm việc mệt nhọc. Khi nhà có giỗ chạp, đó lại là nơi sửa soạn tất cả các món ăn trước khi dọn lên cúng trên bàn thờ. Chiếc bộ ngựa vì thế đã trở nên rất gắn bó với mỗi người dân quê xưa.

+ Nhà bát dần

Thấp thoáng các ngôi nhà kiểu bát dần, nọc ngựa, chữ đinh, nhà sàn

Nhà Bát dần là một trong những kiểu nhà phổ biến ở làng quê Cao Lãnh – Hòa An. Nhà được xây dựng bằng gỗ trên sàn hoặc nền đất, mái ngói. Nhà có một hoặc ba gian, một bên hay hai bên hông có chái, nối mái nhà từ trước đến sau. Nhờ có chái bên hông nên nhà cất rộng. Lối vô nhà từ hai bên hông, có hiên rộng ở phía trước. Giữa hiên thường đặt một bàn tròn tiếp khách thường; gian giữa phía trong là bàn thờ ông bà, phía ngoài là bộ trường kỷ hoặc bàn dài tiếp khách quý. Hai cửa buồng thông vô hai gian bên là nơi ngủ của gia đình. Gian bếp thường là thảo bạt cất nối nhà chính ở phía sau.

+ Nhà chữ Đinh

Nhà chữ Đinh được cấu tạo gồm một nhà chính và nhà phụ nối liền với vách bên hông; đòn dông của hai căn này thẳng góc với nhau, giống như chữ đinh (trong Hán tự). Nhà chính là nơi thờ cúng ông bà, tiếp khách và buồng ngủ. Gian phụ là nơi làm bếp,  ăn cơm và chứa đồ đạc. Trước nhà có sân và lối để đi vào nhà luôn ở gian phụ. Vùng Đồng Tháp Mười nhà chữ Đinh cất trên nền đất cao, trước hiên gian giữa có lắp bình phong đương bằng tre. Nhà chữ Đinh vùng Cao Lãnh, Thanh Bình, Hồng Ngự thường cất trên sàn cao hoặc thấp.

+ Nhà nọc ngựa:

 Nhà có hàng cột cái giữa nhà chịu lực. Nhà này nhìn bên ngoài thấp, mái bè rộng ra, nhưng bước vào bên trong sẽ thấy hệ thống kèo cột và trần nhà rất cao làm cho nhà thoáng mát vì kiểu mái đó có tác dụng che mưa và ánh nắng chói chang vùng nhiệt đới, đồng thời hạn chế được tầm nhìn từ bên ngoài. Nhà Nọc ngựa thường không có chái hai bên mà có thảo bạt phía sau nối liền nhà chính làm bếp, nơi ăn cơm, nghỉ ngơi.

+ Nhà sàn: Do điều kiện thiên nhiên của vùng đất Hòa An cũng như các nơi khác ở Đồng Tháp phải chịu ảnh hưởng của mùa nước nổi, khi cất nhà, sàn nhà dựng trên một hệ thống cột, trụ. Sàn nhà ở làng Hòa An thường không quá cao, phần dưới sàn ít được sử dụng. Cầu thang lên nhà được đặt ở hai bên gian nhà chính.

Du khách thích thú khi tham quan khu làng Hòa An xưa

* Ngoài ra, du khách tham quan Làng Hòa An xưa sẽ không thể bỏ qua việc tham quan Phòng Chẩn Trị Y Học Cổ Truyền tái hiện hình ảnh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về làng Hòa An bốc thuốc, điều trị bệnh cho nhân dân. Chương trình hoạt động này, đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người nghèo đồng thời góp phần tạo cho khu làng Hòa An xưa trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thêm phần sống động.

Một góc làng Hòa An có lẽ không đủ để thể hiện hết toàn bộ những giá trị đặc trưng văn hóa của làng quê Cao Lãnh – Hòa An cũng như những dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong khoảng thời gian ở nơi đây. Tuy nhiên, nó cũng giúp ta thấy được phần nào hình ảnh của một làng quê xưa, vừa gần gũi, thân thương, đơn sơ mà sâu sắc, ở nơi đó những con người sống chan hòa với thiên nhiên, yêu thương gắn bó với nhau. Hàng dừa xiêm che bóng mát, cây cầu khỉ bắt qua con rạch, chiếc xuồng nhỏ len lỏi qua những khóm điên điển trổ vàng bông theo mùa nước lên, thấp thoáng đằng sau là chiếc vó như gợi cho ta nhớ cái hương vị canh chua bông điên điển, có lẽ lâu rồi chúng ta mới thấy lại được cái hình ảnh thi vị mà dân dã như thế. Nếu một lần ghé thăm nhà của ông Năm Giáo, ông Cả Nhì Ngưu, nơi từng ghi lại dấu chân cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một con người luôn hết lòng vì đất nước và dân tộc, đã sinh thành  cho đất nước dân tộc một người con vĩ đại thì ta mới có thể cảm nhận được hết tình thần cao cả của cụ, cả một đời luôn sống vì nhân dân, lấy việc học để rèn luyện bản thân, lấy việc bốc thuốc cứu người để làm niềm vui, có lẽ không một bảo tàng, không một mô hình nào có thể thể hiện hết những giá trị tinh thần mà Cụ đã để lại cũng như những tình cảm mà người Hòa An dành cho Cụ. Cụ nay đã ra đi về cõi vĩnh hằng nhưng những giá trị tinh thần mà cụ để lại luôn được người dân Hòa An gìn giữ mãi.

Còn gì thú vị hơn khi được thăm một ngôi làng xưa nằm ngay trong lòng thành phố, làng Hòa An– nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc từng đến đây sinh sống, giúp ta hình dung lại được phong cách sống của cụ Phó Bảng lúc về làng cũng như tình cảm của người dân dành cho cụ. Và dấu ấn của cụ đã ghi lại một cách sâu đậm trong lòng của người dân Hòa An.

Khách tham quan trãi nghiệm ẩm thực một cách dân dã tại làng Hòa An xưa

 

Nhân dân Việt Nam đời đời biết ơn và ghi nhớ công lao cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Người có công lớn sinh thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các thế hệ Việt Nam nguyện phấn đấu ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Phạm Thế Duyệt
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Đoàn công tác của Bộ Công an đến dâng hương và viếng khu tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trước vong linh của Cụ và Mộ của Cụ đoàn công tác kính cẩn nghiên mình và trân trọng. Cám ơn ... Xem thêm
Tháng 04/2021 - Thứ trưởng Bộ Công an - Lê Tấn Tới
Viếng Cụ Nguyễn Sinh SắcCon đến viếng thăm nơi Cụ an nghỉThành phố Cao LãnhLàng Hòa An xưa… Lăng mộĐền thờNhà lưu niệmTượng Thầy đồ giản dịĐài Sen sáng giữa hồ Sao… Cụ lặng lẽ dưới cánh senHướng về phía mặt trời lênSen làng SenSen Đồng ThápCửu Long canh giấc ngàn thu. Nhà ... Xem thêm
Tháng 05/2017 - Đinh Y Văn
Về đất Sen thắp hương Cụ Nguyễn Sinh Sắc, điều mà tôi thấy được ở đây không chỉ là cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Cụ mà còn hiểu được thêm về tình cảm giữa đồng bào cả nước với nhau, cho dù ở thời gian nào trong ... Xem thêm
Tháng 03/2016 - Lê Nguyên Đức
LỊCH CÔNG TÁC
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
CHUYỂN ĐỔI SỐ
TRƯNG CẦU Ý KIẾN

Bạn đã đến thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc bao nhiêu lần?

Một lần
Hai lần
Nhiều lần
Không nhớ


THỐNG KÊ TRUY CẬP
2157692
Hôm nay: 454
Tuần này: 38614
Tháng này: 16848